Chào mọi người, bài hôm nay sẽ viết về định nghĩa coaching (khai vấn).
Mọi người thời gian qua nghe nói nhiều về khai vấn, nhưng ắt hẳn nhiều độc giả còn mơ hồ với khái niệm này.
Bài hôm nay mình sẽ giải đáp những thắc mắc về công việc này.
Mục lục
COACHING LÀ GÌ?
Theo liên đoàn khai vấn quốc tế ICF định nghĩa: “Khai vấn là đồng hành cùng khách hàng đi qua một quá trình kích thích tư duy, sáng tạo, tạo cảm hứng tối ưu hóa tiềm năng trong công việc và cuộc sống”.
Ngắn gọn hơn:
Coaching là quá trình người Coach hỗ trợ khách hàng đi đến mục tiêu cụ thể bằng cách đặt ra những câu hỏi.
![[Coaching nhập môn] 6 điều cần biết 2 Thiet ke khong ten 17 1](https://i1.wp.com/songmanhme.net/wp-content/uploads/2021/09/Thiet-ke-khong-ten-17-1.png?resize=680%2C510&ssl=1)
TRƯỚC KHI COACHING, CẦN QUAN TÂM ĐIỀU GÌ?
Sau khi đọc xong định nghĩa, hẳn một số bạn vẫn còn thắc mắc, mình sẽ lý giải một số khái niệm cho rõ ràng hơn.
- Đồng hành
- Kích thích tư duy sáng tạo
- Tạo cảm hứng tối ưu hóa tiềm năng
- Câu hỏi
- Mục tiêu cụ thể
- Coach
Đồng hành
Khai vấn là từ tạm dịch ra tiếng Việt, trong tiếng Anh là coaching. Nguyên gốc ý nghĩa của từ Coach là cỗ xe, một hình thức di chuyển con người từ vị trí A sang vị trí B.
Ẩn dụ lên, chúng ta có việc hỗ trợ, giúp đỡ một người từ vị trí hiện tại sang đích đến mong muốn là coaching, tiếng Việt là khai vấn.
![[Coaching nhập môn] 6 điều cần biết 3 Thiet ke khong ten 18 1](https://i1.wp.com/songmanhme.net/wp-content/uploads/2021/09/Thiet-ke-khong-ten-18-1.png?resize=680%2C510&ssl=1)
Kích thích tư duy sáng tạo
Kích thích tư duy sáng tạo là gì? Làm thế nào để kích thích tư duy sáng tạo?
Đơn giản thế này: Khi người Coach trao đổi với khách hàng (Coachee), họ sẽ đặt ra những câu hỏi. Trong quá trình suy nghĩ trả lời, buộc khách hàng phải vận dụng vốn sống, kiến thức, kĩ năng để tìm được đáp án. Việc này sẽ kích thích tư duy sáng tạo.
![[Coaching nhập môn] 6 điều cần biết 4 Thiet ke khong ten 19 1](https://i1.wp.com/songmanhme.net/wp-content/uploads/2021/09/Thiet-ke-khong-ten-19-1.png?resize=680%2C510&ssl=1)
Tạo cảm hứng tối ưu hóa tiềm năng trong cuộc sống
Bản thân từ tạo cảm hứng hay truyền cảm hứng có thể đến từ bên ngoài, hoặc từ bên trong.
Người Coach có thể đưa ra góc nhìn, nhận xét của mình, điều này giúp Coachee thấy được điểm mù mà khi chỉ có một mình, họ sẽ không nhận ra.
Hoặc cũng có thể thông qua quá trình suy nghĩ, đồng hành, trải nghiệm, chính bản thân Coachee vỡ lẽ ra được chân lý sống của riêng mình.
Sự vỡ lẽ, giác ngộ này có thể đến ngay trong phiên khai vấn, hoặc sau khi phiên kết thúc.
Điều kỳ diệu của khai vấn nằm ở chỗ: Phiên coaching có thể kết thúc, nhưng những câu hỏi thì còn mãi.
![[Coaching nhập môn] 6 điều cần biết 5 Thiet ke khong ten 20 1](https://i1.wp.com/songmanhme.net/wp-content/uploads/2021/09/Thiet-ke-khong-ten-20-1.png?resize=680%2C510&ssl=1)
Câu hỏi
“Câu hỏi do ai đặt ra, có một quy tắc nào cho việc đặt câu hỏi không?”
Câu hỏi thể hiện sức mạnh nội tâm của người khai vấn. Để đặt được một câu hỏi đúng trọng tâm, đúng thời điểm cần sự trải nghiệm, lòng can đảm và quan trọng nhất là sự chân thành mong muốn hỗ trợ người khác.
Dĩ nhiên, bạn hoàn toàn có thể học thuộc câu hỏi theo một danh sách nhất định, luôn có những nguồn thông tin giúp bạn tham khảo điều này.
Tuy nhiên, trong chương trình học khai vấn, những người thầy uy tín nhất của mình không khuyến khích điều này, thậm chí bạn càng cố nhớ nhiều câu hỏi, bạn càng gặp rắc rối trong một phiên khai vấn, bởi lẽ cuộc đời của mỗi người là khác nhau, không có một đáp án, cũng như câu hỏi nào chung cho tất cả chúng ta. Vướng vào sự ràng buộc, chúng ta mất đi sự hiện diện, một điều rất quan trọng.
![[Coaching nhập môn] 6 điều cần biết 6 Cau hoi the hien suc manh noi tam nguoi Coach](https://i2.wp.com/songmanhme.net/wp-content/uploads/2021/09/Cau-hoi-the-hien-suc-manh-noi-tam-nguoi-Coach.png?resize=680%2C510&ssl=1)
Mục tiêu
Toàn bộ quá trình coaching đều nhằm mục đích hỗ trợ một cá nhân đạt được mục tiêu của mình..
Trên hành trình này, ngôi sao là khách hàng, người khai vấn giữ vai trò hỗ trợ.
Do đó, mục tiêu cần do chính khách hàng đặt ra. Khai vấn là hướng đến tương lai, cho nên một mục tiêu càng cụ thể càng tốt. Thật ra, để coaching được, khách hàng cần có một mong muốn, mục tiêu cụ thể là điểm phân biệt giữa khai vấn, tham vấn, tư vấn, cố vấn, bạn có thể đọc thêm bài này của mình ở đây (Sự khác biệt giữa khai vấn, tham vấn, tư vấn, cố vấn…)
![[Coaching nhập môn] 6 điều cần biết 7 Cau hoi the hien suc manh noi tam nguoi Coach 1](https://i2.wp.com/songmanhme.net/wp-content/uploads/2021/09/Cau-hoi-the-hien-suc-manh-noi-tam-nguoi-Coach-1.png?resize=680%2C510&ssl=1)
Coach
Chuyên gia khai vấn là những người đã trải qua chương trình đào tạo coaching và được chứng nhận bởi liên đoàn khai vấn quốc tế ICF. Họ là những người được trang bị nền tảng kiến thức và đạo đức nghề nghiệp trong lĩnh vực khai vấn.
Hiện nay, có nhiều cá nhân chưa từng trải qua những chương trình đào tạo, vẫn tự nhận mình là chuyên gia khai vấn, việc này khiến khách hàng hoang mang, ảnh hưởng khá nhiều đến uy tín của những Coach chuyên nghiệp.
Lần tới, nếu bạn muốn tìm một người khai vấn cho riêng mình, hãy tìm hiểu xem họ đã được đào tạo bài bản chưa, điều này rất quan trọng.
Lời cuối
Một vài khái niệm như trên đã giúp bạn hiểu được phần nào về lĩnh vực tương đối mới mẻ này chưa nhỉ. Nếu còn thắc mắc gì, cứ email cho mình để được hỗ trợ nhé!
(*)Vui lòng tôn trọng bản quyền bài viết bằng cách ghi rõ nguồn và tên tác giả. Cảm ơn bạn!
Nguồn ảnh: Ảnh của Olya Kobruseva từ Pexels, Ảnh của Alexandr Podvalny từ Pexels, Ảnh của pixabay từ Pexels, Ảnh của guduru ajay bhargav từ Pexels, Ảnh của Marc từ Pexels